căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Tin tức - công nghệ

Làm cầu đường xóa điểm đen ùn tắc Tân Sơn Nhất

TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đầu tư xây dựng cầu, cải tạo một số đường để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất khỏi nạn ùn tắc.

 

1

Ùn tắc giao thông trên đường Trường Sơn sẽ sớm được khắc phục khi cầu vượt thép tại đây xây xong - Ảnh: Phan Tư

 

Công trình khẩn cấp, thi công cấp thiết

Sáng 8/2, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức khởi công hai cầu vượt thép tại giao lộ Trường Sơn - nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q. Gò Vấp) để giảm kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là hai công trình được Chính phủ đồng ý cho TP HCM thực hiện các dự án theo lệnh khẩn cấp để chống ùn tắc.

 

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, cầu vượt thép tại giao lộ Trường Sơn được thiết kế là công trình vĩnh cửu hình chữ Y, cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc tế dài 303,8m, nhánh cầu vào nhà ga quốc nội dài 153,8m. Cầu có tĩnh không 4,75m, mặt đường dưới cầu rộng 40m được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu kết hợp với các đảo phân làn. Tổng mức đầu tư hơn 242 tỉ đồng.

 

Năm 2017, TP.HCM sẽ khởi công và hoàn thành tiến độ nhiều dự án trọng điểm như đầu tư 1.402 tỷ đồng làm đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; 7.732 tỷ đồng đường nối từ cầu Rạch Chiếc mới đến nút giao Bình Thái (quận 9); 14.867 tỷ đồng làm đường vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch (quận 9); mở rộng QL22 đoạn ngã tư An Sương đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh 9.505 tỷ đồng; xây dựng đường song hành với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Đỗ Xuân Hợp, 869 tỷ đồng); xây cầu đường Bình Tiên giai đoạn 1 (2.604 tỷ đồng)...

 

Như vậy, sau khi hoàn thành, các phương tiện theo hướng từ đường Trường Sơn đi vào sân bay sẽ không phải dừng chờ đèn đỏ trước cổng đi vào ga quốc tế, quốc nội như hiện nay. Giai đoạn 2 của dự án sẽ làm một hầm chui từ ga quốc nội băng qua đường Trường Sơn để qua đường Hồng Hà để phương tiện từ sân bay đi ra hướng Phạm Văn Đồng, giải quyết tối đa các giao cắt tại nút giao này. Trong những ngày qua, trên các tuyến đường Trường Sơn, đường vào Ga quốc nội, đường vào Ga quốc tế, đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn một phần vỉa hè để di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng, thu hẹp vỉa hè, mở rộng mặt đường để chuẩn bị mặt bằng thi công.

 

Đối với cầu vượt tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, được thiết kế hình chữ N, bao gồm ba nhánh cầu. Cụ thể, nhánh 1 hướng từ Nguyễn Kiệm phía quận Phú Nhuận đi qua đường Nguyễn Thái Sơn về Gò Vấp dài 367m. Nhánh 2 trên đường Nguyễn Kiệm hướng từ Gò Vấp qua đường Hoàng Minh Giám, quận Tân Bình dài 367m. Nhánh 3 là từ đường Hoàng Minh Giám băng qua nút giao đến đường Nguyễn Thái Sơn về hướng về Gò Vấp dài 362m. Tổng mức đầu tư cho cầu vượt này là 504 tỉ đồng.

 

Tại lễ khởi công, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp thiết. Đây cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hai dự án này theo lệnh khẩn cấp. “Tôi yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, làm việc ba ca liên tục để rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian thi công thay vì 6 tháng như kế hoạch. Trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn, chất lượng”, ông Khoa yêu cầu.

 
2

Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cùng các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn và cầu vượt thép trên đường Trường Sơn - Ảnh: Phan Tư

 

Tạo thông thoáng quanh khu vực sân bay

Theo các chuyên gia, việc TP.HCM xây dựng hai cầu vượt này là rất cần thiết để đảm bảo giao thông quanh khu vực đi vào sân bay. Thực tế, dịp Tết Đinh Dậu, ngành Giao thông TP.HCM phải triển khai tổng lực thực hiện nhiều giải pháp mới đảm bảo hạn chế được ùn tắc đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc giảm ùn tắc cho Tân Sơn Nhất không chỉ có đầu tư xây dựng một hai công trình mà phải thực hiện tổng hòa nhiều giải pháp khác nhau. Cùng với hai cầu vượt trên, Sở GTVT đã lên kế hoạch mở rộng một số đoạn tuyến như: Đường Hoàng Minh Giám đoạn gần đường Phổ Quang (Q. Phú Nhuận), mở rộng đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình) đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả, đường Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình).

 

Có cầu vượt, phương tiện đi vào sân bay được ưu tiên, nhưng lại lo ngại ở hướng phương tiện từ sân bay đi ra sẽ ùn tắc ở vòng xoay Lăng Cha Cả. Mặc dù tại đây cũng đã có cầu vượt thép nhưng do lưu lượng phương tiện từ sân bay đi về trung tâm quá lớn nên thường xảy ra ùn tắc tại cuối đường Trần Quốc Hoàn khi rẽ trái qua đường Hoàng Văn Thụ. Tại nhiều thời điểm, ùn tắc tại nút giao này khiến phương tiện trong nhà ga quốc nội khi đưa khách vào không thể thoát ra ngoài đường được.

 

Ở hướng này, từ trước Tết, Sở GTVT đã tiến hành phân luồng giao thông. Theo đó, các phương tiện từ sân bay đi ra đường Trường Sơn muốn về đường Cộng Hòa được hướng dẫn rẽ phải qua đường Hậu Giang, Thăng Long để tránh ùn tắc tại nút giao Lăng Cha Cả. Sở GTVT cũng cho biết, đã lên kế hoạch mở rộng đường Phan Thúc Duyện kéo dài chạy qua một phần diện tích đất quốc phòng để tạo lối thoát ra đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám. Đây cũng là hướng mở để tạo kết nối với nhà ga lưỡng dụng sẽ được xây dựng trong tương lai ở khu vực diện tích đất quốc phòng bàn giao. Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á cũng đề xuất thực hiện một tuyến đường trên cao bằng kết cấu thép từ nhà ga quốc tế đi qua nhà ga quốc nội băng qua đường Thăng Long, rẽ trái qua đường Phan Thúc Duyện để hướng về trung tâm theo hai nhánh tiếp đất ở đầu đường Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ.

 

Về lâu dài, TP.HCM cũng cập nhật quy hoạch xây dựng tuyến metro ngầm từ công viên Hoàng Văn Thụ đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 276 triệu USD. Khi hoàn thành, tuyến metro này được kết nối với các tuyến metro số 5, số 2 (Bến Thành, Q.1) - Tham Lương (Q.12) và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.9).

 

PGS.TS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, việc đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng để hạn chế ùn tắc vào sân bay là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tổ chức phân luồng lại giao thông tại một số tuyến đường quanh khu vực, vừa phát huy tối đa hạ tầng hiện hữu. “Chúng tôi đã trình Sở GTVT kế hoạch tổ chức giao thông một số tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Hoàng Văn Thụ để hạn chế ùn tắc trên đường Trường Sơn. Đồng thời, đang nghiên cứu khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả để có những đề xuất hợp lý trong việc tổ chức giao thông khu vực này, vì đây cũng là điểm ùn tắc trên tuyến đường ra vào sân bay”, ông Phong nói.

Báo Giao thông