căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Tin tức - công nghệ

Mỗi năm TP.HCM thiệt hại gần 140.000 tỷ đồng do xe máy gây ra

Đây là ý kiến của Liên hiệp các Hội KH&KT TP về xe máy đang gây thiệt hại về kinh tế ở TP.HCM.

 

FullSizeRender

         Hội thảo sẽ tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia để kiến nghị UBND TP.HCM

 

Sáng 20/4, tại TP.HCM diễn ra hội thảo về kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM – thực trạng và giải pháp do Liên hiệp các Hội KH&KT TP phối hợp với Sở GTVT TP.HCM tổ chức. Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đồng tình về việc hạn chế xe gắn máy theo lộ trình.

 

Theo Liên hiệp các Hội KH&KT TP, tổng thiệt hại các mặt do xe gắn máy gây ra hàng năm khoảng 6,184 tỷ USD (tương đương khoảng 139.627 tỷ đồng), chiếm 13,4% GDP của TP, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của TP.HCM.

 

Do đó làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP về mọi mặt, tác hại của việc lưu thông xe máy ở TP như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng.

 

IMG_0948

                            Tiến sĩ Trần Du Lịch, đồng tình với ý kiến của các nhà khoa học.

 

Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khẳng định: Ông hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia về việc hạn chế và cấm xe máy. Tuy nhiên TP cần phải triển khai theo lộ trình, từng bước như các nước đã làm, từ việc hạn chế, phát triển giao thông công cộng sau song song với việc hạn chế thu hồi những xe máy quá niên hạn, gây ô nhiễm môi trường… Với giao thông của TP hiện nay thì ưu tiên phát triển công cộng vẫn là xe buýt dù có tuyến metro.

 

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng vận tải hành khách công cộng thì cần hạn chế phương tiện cá nhân theo nguyên tắc kéo - đẩy. Nguyên tắc này được áp dụng nhiều nước trên thế giới. Không phân biệt đối xử giữa các loại phương tiện với nhau.

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho biết, đã ký hợp đồng với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT để ra các lộ trình, chiến lược nghiên cứu đề án. Sở đánh giá cao sự phối hợp của các nhà khoa học, để có các góc nhìn đa chiều của các lĩnh vực, thảo luận vấn đề nóng về kiểm soát xe cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường. Sau hội thảo này, Sở sẽ hoàn thiện đề án và báo cáo UBND TP.

 

Ông Cường cho rằng, để dự án có thể triển khai sớm thì tiên quyết phải là tính cấp thiết, cấp bách trong việc triển khai đề án này. Việc tuyên truyền rất quan trọng để tác động đến người dân thay đổi ý thức, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì dự án mới khả thi.

 

ketxe_2412017

                                Theo các nhà khoa học xe máy là thủ phạm kẹt xe, TNGT...

 

Sau khi nghe các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, Liên hiệp các Hội KH&KT TP tập hợp các ý kiến kiến nghị và đề xuất với TP những điểm sau: 

 

Kiên quyết kiểm soát và hạn chế sự lưu thông của xe máy 

 

Nhóm giải pháp về kiểm soát: quản lý các loại xe máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe (COE) để kiểm soát việc gia tăng phương tiện xe máy. Ban hành khung giá dịch vụ trông giữ xe theo hướng lũy tiến tăng mạnh vào khu vực trung tâm.

 

Nhóm hạn chế sự lưu thông của xe máy: rà soát đề xuất hạn chế xe máy, hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố chính, khu vực có hoạt động vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đề xuất danh mục các tuyến phố cấm trông giữ phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế.

 

Rà soát thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để tiến hành thu hồi xử lý.

 

Ban hành lộ trình thực hiện đến năm 2030 quy định về hạn chế/cấm xe máy từ khu trung tâm lan dần ra đến ngoại ô để đến năm 2030, loại hẳn xe máy làm phương tiện đi lại ở TP.HCM.

 

Giải pháp phát triển giao thông công cộng

 

Đầu tư mạnh mẽ để phát triển hệ thống GTCC đảm bảo kết nối giữa các loại hình: xe buýt, tàu điện ngầm, taxi, buýt sông theo hướng nâng cao tỷ lệ GTCC đến năm 2030 đạt mức 60%.

 

Xây dựng hệ thống giao thông thông minh và trung tâm quản lý điều hành giao thông chung của TP. Chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

 

Đề xuất chính sách đặc thù về GTCC: các doanh nghiệp phải đóng phí GTCC tính theo doanh thu của doanh nghiệp, mức đóng có thể là 1-10% để đưa vào quỹ phát triển GTCC. Bằng cách này, DN bắt buộc phải yêu cầu nhân viên đi lại bằng GTCC.

 

Đồng thời quy hoạch và xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đường trên cao, cao tốc, phố đi bộ… kết hợp di dời nhà ga xe lửa ra ngoại thành và cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất. Thành lập quỹ giao thông công cộng.

 

Việc quy hoạch và đổi mới GTCC cần rõ ràng, minh bạch, có lý có tình trên cơ sở một hệ thống truyền thông mạnh để từng bước nhận được sự đồng thuận của người dân, tự giác lựa chọn và chấp hành. Cần có lộ trình và chính sách phù hợp từ nay đến năm 2030 để từng bước giảm ùn tắc giao thông cá nhân trên cơ sở tăng cường GTCC.

Báo Giao thông