căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Dự án

Khởi công cầu Đà Rằng mới, kết nối các vùng kinh tế Phú Yên

Ngày 19/1, Bộ GTVT- UBND tỉnh Phú Yên khởi công dự án cầu Đà Rằng - cầu Sông Chùa, góp phần xóa “điểm nghẽn” lưu thông ngay cửa ngõ phía Nam TP Tuy Hòa, mở rộng không gian đô thị... 

 

30

Dự án cầu mới Đà Rằng là niềm mong mỏi của người dân, chính quyền địa phương trước cảnh cầu cũ xuống cấp, quá tải…

 

CÂY CẦU MƠ ƯỚC…

 

Theo đó, cầu vượt sông Đà Rằng được xây dựng ngay về phía phần thượng lưu, cách cầu Đà Rằng cũ 2m trên QL1, kết nối giá trị lịch sử. Công trình từ lâu đã là niềm mơ ước của người dân, chính quyền địa phương trước thực trạng cầu Đà Rằng hiện hữu xuống cấp, quá tải. Ngay dịp trước lễ khởi công, nhiều người dân đổ về phía dự án chăm chú nhìn các đơn vị huy động máy móc, thiết bị, chuẩn bị triển khai dự án ngay sau khi phát lệnh. “Những tháng qua, nghe tin cầu mới được Trung ương phê duyệt, ai cũng mừng và chờ mong từng ngày cây cầu được xây dựng. Cầu cũ xuống cấp rồi, đi lại cũng khó khăn”, ông Nguyễn Văn Bình, hộ dân ngay sát cầu Đà Rằng cũ, bộc bạch.

 

Theo ghi nhận của PV, cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa hiện hữu liên tục “quá tải” trước nhu cầu lưu thông, gia tăng phương tiện của người dân trên địa bàn. Cầu chỉ có 2 làn xe nhưng mặt đường nhiều chỗ bị bong tróc, xuất hiện nhiều điểm hư hại… tạo “điểm nghẽn” lưu thông ra - vào vùng đô thị trung tâm Tuy Hòa, kết nối các địa phương phía Nam thành phố. Đáng kể, lâu nay các phương tiện có trọng tải trên 2 tấn không được phép lưu thông qua cầu khiến việc phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. Tài xế xe tải 5 tấn Lê Trung Anh (trú tại phường 1, TP Tuy Hòa) cho hay: Để sang vùng phía Nam thành phố, xe tải trọng lớn phải đi đường vòng qua cầu Hùng Vương, xa thêm 5-7km, tốn thời gian, chi phí…

 

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết, qua gần 50 năm sử dụng, cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa đã “quá tải”, xuống cấp trước sự phát triển và nhu cầu đi lại của người dân. Phần lớn hệ dầm của cầu bị hư hỏng. Đặc biệt, năm 2013, hệ dầm chủ 3 nhịp: Số 2, số 4 và số 7 của cầu Đà Rằng bị biến dạng, địa phương đã tiến hành sửa chữa, khắc phục tạm thời bằng giải pháp sửa chữa tăng cường liên kết ngang đầu dầm, sửa chữa khe co giãn, thảm lớp BTN… Việc đầu tư cầu mới đòi hỏi bức thiết từ lâu của địa phương, niềm mong mỏi của người dân, chính quyền tỉnh.

 

31

                                                       Phối cảnh cầu Đà Rằng mới

 

KẾT NỐI THÔNG THƯƠNG, THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ

 

Theo ông Vũ Ngọc Dương, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án), hiện các đơn vị chức năng, điều hành dự án, nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị sẵn sàng triển khai ngay cả trong dịp lễ, Tết. Công trình vượt sông lớn, có không ít khó khăn về điều kiện địa chất, thủy văn, mưa lũ… Tuy nhiên, ban cùng các đơn vị nỗ lực, triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý, thi công, kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng dự án, với mục tiêu hoàn thành sớm công trình ngay trong năm 2018.

 

Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đánh giá: Việc xây dựng cầu Đà Rằng mới có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình phát triển KT-XH của TP Tuy Hòa. Công trình này giữ vai trò quyết định đến việc thu hút đầu tư để phát triển khu đô thị dọc đôi bờ sông Đà Rằng. Theo ông Nguyễn Thành Trí, dự án góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên, hạ tầng cửa ngõ phía Nam TP Tuy Hòa. Khi hoàn thành, dự án đảm bảo quy mô 4 làn xe cho QL1 đoạn qua TP Tuy Hòa, góp phần tăng năng lực thông hành trên trục đường Nguyễn Tất Thành, giảm thiểu ùn tắc giao thông và nâng cao ATGT QL1 đoạn qua thành phố này.

 

Dự án cầu Đà Rằng mới có tổng chiều dài gần 1,6km, điểm đầu tại phía Bắc cầu Đà Rằng cũ, tiếp nối QL1 cũ tại lý trình Km 1333+008; điểm cuối phía Nam cầu Đà Rằng cũ, tiếp nối QL1 cũ tại lý trình Km 1335+903,66. Phần cầu có chiều dài gần 1,2km, được thiết kế vĩnh cửu, rộng 10,5m, bao gồm 2 làn xe cơ giới, dải phân cách, lề đi bộ. Phần đường theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, có quy mô mặt cắt ngang phù hợp với bề rộng cầu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 340 tỷ đồng từ nguồn vốn dư QL1, đường HCM, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Nhà thầu xây lắp: Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu đường số 18.6 - Công ty CP Xây dựng công trình 510. Nhà thầu tư vấn giám sát: Liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng Công trình giao thông 2 và Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long. Nhà thầu tư vấn thiết kế: Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP và Công ty CP xây dựng VNC.

 

PHÚ YÊN THU HÚT ĐẦU TƯ HÀNG LOẠT DỰ ÁN GIAO THÔNG

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay: Tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ đầu tư đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh. Trong đó, giai đoạn năm 2018 - 2020 sẽ có 11 dự án mà tỉnh này ưu tiên thu hút đầu tư, trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 3 dự án: Tuyến đường nối QL1 (tuyến đường tránh Phú Lâm) đến tuyến đường bộ ven biển (cầu Đà Nông); Tuyến đường và kè bờ Bắc và Nam sông ba đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến Gành Bà (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) - Dinh Ông (thị trấn Phú Hòa); Tuyến đường bộ ven biển, đoạn từ Km1293 QL1 đến Bắc Cầu An Hải.

Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, tỉnh có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, phát triển. Hệ thống quốc lộ qua địa bàn, đường tỉnh, đường khu công nghiệp đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Từ năm 2013-2015, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên cho hay: Tỉnh nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế Nam Phú Yên, khu công nghệ cao… “Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã nỗ lực trong cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh kinh doanh bình đẳng, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đà thu hút đầu tư của tỉnh”, ông Hổ chia sẻ.

Thống kê, giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 284 dự án đầu tư (có 19 dự án  FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 4.744 triệu USD và 28.671 tỷ đồng. Trong đó, ngành công nghiệp có 144 dự án, vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD và 14.800 tỷ đồng; ngành thương mại và dịch vụ 115 dự án với vốn đăng ký 1,28 tỷ USD và gần 10.000 tỷ đồng… Dự kiến, tại hội nghị xúc tiến đầu tư “mở màn” năm 2018, Phú Yên sẽ trao quyết định đầu tư cho 17 dự án với số vốn hơn 12.000 tỷ đồng và 11 dự án tiếp cận, khảo sát với số vốn gần 60.000 tỷ đồng.

Báo Giao thông